Khúc dạo đầu Trận_Yarmouk

Năm 610, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông La Mã-Sassanid, Heraclius trở thành hoàng đế của đế quốc Đông La Mã sau khi lật đổ vị hoàng đế tiếm vị Phocas.[8] Cũng trong thời gian này, đế quốc Sassanid-Ba Tư đã chinh phục được Lưỡng Hà và tràn vào Syria trong năm 611 rồi thâm nhập xứ Anatolia, chiếm thành phố Caesarea Mazaca. Kể từ năm 612, Heraclius đã cố gắng trục xuất người Ba Tư ra khỏi Tiểu Á nhưng đã bị đánh bại khi ông phát động một cuộc phản công lớn chống lại người Ba Tư ở Syria vào năm 613.[9] Trong khoảng một thập kỷ tiếp đó, người Ba Tư lần lượt chinh phục PalestinaAi Cập trong khi Heraclius xây dựng lại quân đội của mình để chuẩn bị phản công. Chín năm sau đó vào năm 622, Heraclius cuối cùng đã phát động cuộc phản công đáp trả.[10] Sau chiến thắng áp đảo của ông trước người Ba Tư và các đồng minh người KavkazArmenia của họ, Heraclius lại tiếp tục phát động một cuộc tấn công mùa đông năm 627 vào người Ba Tư ở vùng Lưỡng Hà và giành một chiến thắng quyết định tại trận Nineveh qua đó đe dọa thủ đô Ctesiphon của Ba Tư. Bị mất uy tín bởi những loạt những thất bại, Khosrau II bị lật đổ và giết chết trong một cuộc đảo chính do Kavadh II[11] con trai ông cầm đầu. Vị hoàng đế Ba Tư mới chấp nhận các điều kiện hòa bình của người Đông La Mã, đồng ý sẽ rút quân ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà người Ba Tư chiếm được. Heraclius phục hồi được chiếc Thập tự giá thiêng liêng ở Jerusalem bằng một buổi lễ hoành tráng vào năm 629.[12]

Trong khi đó tại Ả Rập đã nhanh chóng nổi lên một phong trào chính trị, nơi nhà Tiên Tri Mohammad rao giảng về đức tin đạo Hồi. Và ông đã thành công khi thống nhất phần lớn bán đảo Ả Rập thành một thực thể chính trị duy nhất. Khi nhà tiên tri qua đời vào tháng 6 năm 632, Abu Bakr được bầu làm Khalip và trở thành người kế nhiệm về mặt chính trị của ông. Khó khăn liên tục xuất hiện ngay sau khi Abu Bakr lên nắm quyền thừa kế, khi một số bộ tộc Ả Rập công khai nổi dậy chống lại Abu Bakr buộc ông phải tuyên chiến với tất cả phiến quân. Trong cuộc chiến Ridda (người Ả Rập gọi cuộc chiến chống lại những người bội đạo từ năm 632-33), Abu Bakr đã cố gắng đoàn kết người Ả Rập dưới sự thống trị từ Medina.[13]

Bản đồ chi tiết cuộc xâm lược của nhà Rashidun ở vùng Cận Đông.

Sau khi phiến quân đã bị đè bẹp, Abu Bakr bắt đầu mở một cuộc chiến chinh phạt, mở đầu với Iraq, tỉnh giàu có nhất của Đế quốc Ba Tư. Ông cử Khalid ibn al-Walid, vị tướng tài danh nhất của mình làm tư lệnh chiến dịch, Iraq đã bị chinh phục trong một loạt các chiến dịch thành công chống lại Đế quốc Sassanid của Ba Tư. Sự tự tin của Abu Bakr ngày càng tăng lên và khi này Khalid bắt đầu xây dựng các thành trì cứ điểm của ông ở Iraq, Abu Bakr đã kêu gọi xâm chiếm Syria trong tháng 2 năm 634.[14] Cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào Syria là một loạt các kế hoạch được chuẩn bị một cách cẩn thận và được điều phối tốt, các hoạt động quân sự sử dụng các chiến thuật tinh tế thay vì sử dụng thần túy sức mạnh để đối phó với các biện pháp phòng thủ của người La Mã.[15] Tuy nhiên quân đội Hồi giáo đã ngay lập tức được chứng minh là quá nhỏ để đáp trả các phản ứng của người La Mã và các chỉ huy của họ kêu gọi tăng quân tiếp viện. Khalid đã được Abu Bakr hạ lệnh di chuyển từ Iraq đến Syria với quân tiếp viện và để dẫn đầu cuộc xâm lược. Tháng 7 năm 634, người La Mã đã bị đánh bại tại trận Ajnadayn. Damas thất thủ trước người Hồi giáo vào tháng 9 năm 634, tiếp theo là trận Fahl, vị trí đồn trú quan trọng nhất của Palestina đã bị thất thủ.[16]

Khalip Abu Bakr đã qua đời trong năm 634. Umar, người kế nhiệm ông đã xác định là mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của Đế chế Hồi giáo vào Syria.[17] Mặc dù các chiến dịch trước đó của Khalid đã thành công, ông vẫn bị thay thế bởi Abu Ubaidah. Chiếm được phía nam Palestina, lực lượng Hồi giáo tiếp tục tiến lên con đường thương mại và đên TiberiasBaalbek, các thành phố này thất thủ mà không phải chiến đấu nhiều và người Hồi giáo tiếp tục chinh phục Emesa vào đầu năm 636. Từ đó người Hồi giáo tiếp tục cuộc chinh phục của họ trên toàn các lãnh thổ vùng Cận đông.[18]